rong lĩnh vực xử lý nước, keo tụ lắng là một công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhằm loại bỏ cặn bẩn không tan ra khỏi nước. Bản chất của phương pháp là đưa vào nước cần xử lý một số chất keo tụ. Khi hoà tan trong nước, chất này tạo thành hạt keo liên kết với cặn bẩn và trở thành bông cặn lớn hơn và tự lắng. Hiệu quả của phương pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bản chất của chất keo tụ và chế độ công nghệ của quá trình keo tụ lắng. Hiện chất keo tụ được dùng nhiều nhất là phèn nhôm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không có hiệu quả, ngoài ra lượng nhôm dư thừa trong nước có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hay quên...
Các nhà khoa học tại viện Kỹ Thuật Tài Nguyên Nước và Môi Trường đã chế tạo ra một loại chất keo tụ mới có nguồn gốc từ khoáng vô cơ là PPAC (Polypoly Aluminium Hydroxyl Cloride). Kết quả thử nghiệm cho thấy dùng PPAC tiết kiệm hơn lượng phèn thông thường mà có hiệu quả xử lý cao hơn. Vật liệu ít làm thay đổi độ pH, có tác dụng khử màu cao, có tốc độ lắng cặn nhanh và còn dễ bảo quản.
Vật liệu đã được đưa vào thử nghiệm trên nước kênh rạch Đồng Tháp Mười tại các tỉnh Long An - Tiền Giang và cho kết quả là nước có tính chất lý hoá tổng quát bình thường, sử dụng được cho sinh hoạt, ngoài ra không có vi khuẩn gây bệnh. Ông Vương Đình Đức, Viện phó Viện Kỹ Thuật Tài Nguyên Nước và Môi Trường, cho biết trong năm qua, hàng trăm tấn PPAC đã được chuyển giao cho vùng Đồng Bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía nam.
Bột được đóng trong bao nilon có trọng lượng 250 gram. Mỗi kg bột có thể xử lý được 8-10 m3 nước, bảo quản trong 12 tháng. Để sử dụng, cho vào mỗi 1m3 nước cần xử lý khoảng 100-150 gram (8-12 thìa cà phê), khuấy tan cho đều và để lắng sau 5-10 phút, nước sẽ trong và sử dụng được.